Tại ĐBSCL, giá cá tra nguyên liệu vượt mức 25.000 đồng/kg. Thế nhưng nhiều hộ nuôi cá tra xuất khẩu vẫn tiếp tục bỏ nghề, bởi sau thời gian thua lỗ kéo dài họ không còn vốn đầu tư.
Thu hoạch cá rô đầu vuông tại huyện Vị Thủy (Cần Thơ) - Ảnh: T.C. |
Bên cạnh đó, hàng ngàn hộ nuôi cá rô đầu vuông hiện đang điêu đứng vì cá khó tiêu thụ, giá rớt thê thảm. Nguyên nhân chính cũng từ tình trạng nuôi tự phát chạy theo phong trào.
“Treo” ao
Hai huyện Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) vốn là vùng nuôi cá tra xuất khẩu trọng điểm của Cần Thơ, đến cuối năm 2010 chỉ còn khoảng 500/950ha đang thả nuôi. Gần đây, giá cá tăng cao nhưng diện tích đầu tư trở lại tăng không đáng kể. Ông Lê Phước Thăng (xã Vĩnh Bình, Vĩnh Thạnh) kể trước đây thấy nghề nuôi cá tra có lợi nhuận hấp dẫn nên ông bỏ vốn mua đất đào ao nuôi cá.
Từ năm 2008 xảy ra tình trạng khủng hoảng đầu ra kéo dài. Giá cá bấp bênh, lại khó tiêu thụ khiến ông bị thua lỗ nhiều đợt tổng cộng gần 5 tỉ đồng, hiện còn nợ ngân hàng hơn 1 tỉ đồng nên đang bị kê biên tài sản. “Hồi đó mỗi khi giá cá tăng cao bà con lại chạy theo phong trào, cứ ùn ùn thả nuôi. Chính vì làm ăn tự phát nên thất bại” - ông Thăng tâm sự.
Chất lượng thức ăn giảm sút Một số hộ nuôi cá rô đầu vuông qua nhiều vụ cho rằng ngoài giá bán thấp thì nguyên nhân khiến họ thua lỗ nặng nề là do chất lượng thức ăn giảm sút. Anh Đặng Tấn Phước (xã Thới Thuận, Thốt Nốt, Cần Thơ) cho biết: “Vụ đầu tôi nuôi hệ số tiêu tốn thức ăn chỉ 1,4kg thức ăn cho 1kg cá, nhưng đến vụ nuôi vừa rồi đã vọt lên 2kg thức ăn cho 1kg cá, chứng tỏ thức ăn thiếu độ đạm. Từ đó đã đẩy giá thành nuôi lên tới 27.000 đồng/kg nên chúng tôi bị lỗ nặng”. |
Sau nhiều đợt thua lỗ không còn đủ khả năng đầu tư nuôi cá tra xuất khẩu, cuối năm 2010 gia đình bà Nguyễn Kim Hoàng (khu vực Thới Bình, xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt) chuyển qua nuôi cá rô đầu vuông. “Hồi đó giá cá rô đầu vuông khá cao, khoảng 40.000 đồng/kg nên ngoài gia đình tôi, nhiều hộ nuôi cá tra trong vùng cũng chuyển qua nuôi cá rô” - bà Hoàng kể. Tuy nhiên, từ tết tới nay giá cá rô liên tục giảm mạnh.
Hơn tuần trước gia đình bà Hoàng thu hoạch một ao 32 tấn cá nhưng chỉ bán được giá 21.000 đồng/kg, lỗ gần 190 triệu đồng. Hiện vẫn còn ao 60 tấn cá đã quá lứa nhưng chưa thể bán được, trong khi giá cá giảm tiếp còn 19.000 đồng/kg.
Huyện Vị Thủy, Hậu Giang là địa phương có nhiều hộ dân nuôi cá rô đầu vuông nhiều nhất tỉnh, hiện phần lớn các hộ dân nuôi cá rơi vào tình cảnh “treo” ao. Ông Trần Văn Vẹn, cán bộ nông nghiệp xã Vĩnh Viễn, cho biết vụ nuôi từ tháng 10-2010 hầu hết bán lỗ, ao 1.000m2 lỗ 20-30 triệu đồng. Toàn xã có 91 hộ nuôi với diện tích 49ha, hiện khoảng 30% hộ “treo” ao.
...Và bài học rớt giá
Theo bà Trần Hồng Tim - trưởng Phòng nông nghiệp huyện Vị Thủy, do lợi nhuận từ nghề nuôi cá rô đầu vuông khá hấp dẫn nên nhiều người dân đã ồ ạt nuôi, bất chấp cảnh báo của cơ quan chức năng. Bà Tim cho biết diện tích nuôi toàn huyện từ 30ha trước năm 2010 đã vượt lên 70ha (diện tích đất, chưa tính thâm canh 2-3 vụ/năm). “Không chỉ diện tích nuôi trong tỉnh tăng mà các tỉnh ở Đông Nam bộ trước kia lấy giống ở đây nay lại chuyển ngược xuống ĐBSCL khiến cung vượt cầu” - bà Tim nói.
Bà Phan Thị Hừng, phó liên trạm thủy sản Thốt Nốt - Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ), cho biết trước tình hình những hộ nuôi cá tra chuyển qua nuôi cá rô đầu vuông, ngành thủy sản đã xuống tận địa bàn khuyến cáo về nguy cơ khủng hoảng thừa rớt giá. Tuy nhiên, lúc ấy giá cá đang ở mức cao nên diện tích nuôi cá rô đầu vuông vẫn tiếp tục tăng.
Theo ông Ngô Quốc Phúc - chi cục trưởng Chi cục thủy sản Sở NN&PTNT Hậu Giang, năm 2010 chỉ có 527 hộ nuôi trên 390ha nhưng đến nay tăng lên 830 hộ, hiện toàn tỉnh có 220ha nuôi cá rô (một mùa vụ). “Tuy có quy hoạch tổng thể nhưng phong trào nuôi tự phát không cấm được” - ông Phúc nói.
TRUNG CƯỜNG - ĐỨC VỊNH
Theo Tuổi Trẻ
fd