Home � Trung Quốc chi 22 triệu đô để nghiên cứu biển Đông

Trung Quốc chi 22 triệu đô để nghiên cứu biển Đông

Cuộc gặp tại Thượng Hải trong hai ngày 26 và 27/1 vừa qua của các nhà hải dương học Trung Quốc, trong đó có cả Hoa kiều, tập trung thảo luận về dự án có tên nghiên cứu sâu ở biển Nam Trung Hoa (Việt Nam gọi là Biển Đông). Như tên gọi, dự án này tập trung nghiên cứu ở các vùng có diện tích khoảng 3,5 triệu cây số vuông và giới hạn tối đa độ sâu là 5,5km mà chính quyền Trung Quốc xem như thuộc quyền quản lý của họ.
Dự án do nhà nghiên cứu Wang Pinxian, một nhà khoa học cao niên ở Trung Quốc thuộc đại học Tongji ở Thượng Hải chủ trì. Nhóm nghiên cứu có thể sử dụng tàu lặn chuyên dụng Jiaolong có khả năng lặn tới độ sâu 7km. Tháng bảy năm ngoái, tàu này đã lặn tới độ sâu 3,8km. Dự kiến năm nay, họ sẽ thử nghiệm tàu này ở độ sâu 5km và đạt mục tiêu thiết kế trong năm tới.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, dự án nghiên cứu Biển Đông hình thành sau khi có cuộc nghiên cứu do tàu Dayang Yihao thực hiện năm 2007 ở một vùng ít được biết đến có tên gọi rặng Tây Nam Ấn Độ. Các nhà khoa học trên tàu Dayang Yihao đã phát hiện ra các vỉ quặng đồng, chì và kẽm. Điều đáng chú ý, ngay sau khi uỷ ban quốc tế về thềm lục địa ban hành quy định về quyền khai thác mỏ ở đại dương, phía Trung Quốc lập tức nộp đơn để khai thác.
Từng tham gia nghiên cứu trên tàu Dayang Yihao, nhà hải dương học Lin Jian thuộc viện hải dương học Woods Hole ở Massachusetts, đang đứng đầu một tiểu dự án nằm trong dự án nghiên cứu Biển Đông lần này để nghiên cứu về sự kiến tạo lục địa ở Biển Đông. Điều này sẽ giúp lý giải sự hình thành của biển, cấu trúc bề mặt đáy biển. Phần thứ hai của dự án là nghiên cứu trầm tích đáy biển và khí hậu cổ đại, tiếp nối nghiên cứu năm 1999 của tiến sĩ Wang cũng ở khu vực này. Bất chấp những tranh cãi về chủ quyền, kết quả nghiên cứu sẽ thu hút sự chú ý của giới công nghiệp dầu khí.

Trung Quốc là nước thứ năm trên thế giới có khả năng chế tạo tàu lặn sâu hơn 3,5km.
Trong ảnh: một tàu lặn đang được đóng mới. Ảnh: THX
Nhà khoa học Jian Zhimin (đại học Tongji) và các đồng nghiệp hy vọng từ kết quả nghiên cứu trầm tích sẽ đọc lại được diễn biến của nhiệt độ, lượng mưa cũng như mực nước biển trong quá khứ. Qua đó, họ có thể hiểu thêm về khí hậu châu Á gió mùa. Các nhà khoa học cũng nghiên cứu về dòng hải lưu nóng Tây Thái Bình Dương, với nhiệt độ trung bình 290C. Người ta cho rằng, dòng hải lưu này ảnh hưởng tới gió mùa và hiện tượng El Nino ở Thái Bình Dương.
Phần thứ ba của dự án nghiên cứu về sinh vật học, đặc biệt là các sinh vật dưới sâu, do các nhà khoa học trong đó có Jiao Nianzhi (đại học Xiamen ở tỉnh Fujian) và Tian Jiwei, đại học hải dương Trung Quốc ở Qingdao, tỉnh Shandong.
Tổng kinh phí dự án khoảng 22 triệu USD được quỹ Quốc gia về khoa học tự nhiên phân bổ trong tám năm. Đây không phải là đơn vị duy nhất ở Trung Quốc nghiên cứu về hải dương học. Dự kiến, Trung Quốc sẽ đầu tư khoảng 60 triệu USD để xây trung tâm công nghệ biển sâu và hệ thống quan sát bề mặt đáy biển có kinh phí lên tới 1,4 tỉ nhân dân tệ.
Phủ nhận ý định nghiên cứu nhằm phục vụ việc mở rộng lãnh thổ, các nhà khoa học của Trung Quốc khẳng định mục đích nghiên cứu nhằm phục vụ sự hiểu biết của con người. Họ cũng cho rằng, dự án tập trung vào các vấn đề cơ bản về khoa học hơn là tìm kiếm dầu hay khoáng sản. Điều này không có gì sai, cũng như nó đúng với nhiều người đi biển dưới sự bảo trợ của hải quân Hoàng gia Anh, thời nước này tung hoành trên biển trong các thế kỷ trước. Nếu các nhà hải dương học Trung Quốc là những người đầu tiên khám phá bí ẩn của vùng biển Tây Nam nước này, các doanh nghiệp Trung Quốc tất yếu có lợi thế hơn để biến những tri thức này thành lợi thế thương mại và hải quân Trung Quốc sẽ có những lợi thế nhất định để bảo vệ các quyền lợi biển.
Chính vì vậy khi đưa tin về dự án này, tờ Economist đã ví việc đặt tên gọi và quy mô dự án của Trung Quốc như đế chế La Mã từng làm khi gọi Địa Trung Hải bằng tên Mare Nostrum, có nghĩa là biển của chúng ta.
Theo SGTT

Tags: